Các cách bài trí không gian thiền tuyệt vời tại gia

Trong cuộc sống hiện đại, xô bồ ngày nay, với rất nhiều những áp lực từ công việc, xã giao, hôn nhân gia đình… khiến cho đầu óc chúng ta thường xuyên gặp căng thẳng, stress. Để đối mặt với stress thì mỗi người có những lựa chọn khác nhau, cũng có nhiều người tìm đến thiền định – như một cách để nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần và loại bỏ những cảm xúc tiêu cực, cũng vì vậy mà những không gian thiền tại gia đang được nhiều gia chủ quan tâm.

Nhiều người có thói quen ra công viên, bãi cỏ hoặc sân vườn để thiền định bởi nơi đây không khí yên tĩnh, thoáng đãng rất tốt cho việc hành thiền. Tuy nhiên, cũng có những người không có điều kiện ra ngoài tập thiền, do thời gian không phù hợp, công viên xa nhà, không có sân vườn… Do đó, mọi người lựa chọn tập thiền ngay trong ngôi nhà của mình để tiết kiệm thời gian.

Để thiết kế không gian mang đậm tính thiền tại gia không hề khó khăn, hãy cùng tham khảo một số cách bài trí phòng thiền tinh tế, khéo léo của chủ nhà Nguyễn Long – một người tín tâm và đam mê decor nhà dưới đây, theo như kinh nghiệm của chủ nhân ngôi nhà, để có phòng thiền đúng nghĩa, cần đáp ứng một số tiêu chí sau:

Nội dung

1. Ánh sáng nhẹ nhàng, vừa đủ

Không gian nội thất xung quanh có quyết định lớn đến việc thiền định của chúng ta, nó ảnh hưởng đến tư tưởng và tâm trạng, do đó quyết định chất lượng của buổi thiền định. Bởi vậy, khi thiết kế phòng thiền, điều đầu tiên gia chủ cần lưu ý là cường độ ánh sáng trong không gian. Hãy ưu tiên sử dụng ánh sáng tự nhiên hoặc ánh sáng đèn điện không quá chói và gay gắt.

Ánh sáng tự nhiên chiếu rọi qua tấm rèm mỏng manh khiến không gian thêm thông thoáng và cảm giác bình yên, gần gũi.

Không gian vừa gần gũi thiên nhiên, vừa yên ắng thanh tịnh

Căn phòng cần có đầy đủ sinh khí, khi ánh sáng trong phòng hài hòa, không quá tối cũng không quá chói tạo cho ta sinh khí thị giác khi nhìn mọi vật trong phòng đều “thuận mắt”. Khi ta tìm đến thiền là để thân tâm nhẹ nhàng, giải tỏa đầu óc, nên việc sắp xếp, bố trí nội thất gọn gàng, phân bổ ánh sáng đầy đủ cho căn phòng là điều hết sức cần thiết khiến cho tâm trạng vui vẻ, tích cực lên.

Gia chủ có thể tận dụng ánh sáng thiên nhiên từ bên ngoài vào và bên trong lắp thêm đèn led âm trần, đèn chùm với màu vàng ấm cúng để đảm bảo đủ ánh sáng và giúp làm tăng không khí thiền cho không gian.

2. Lựa chọn màu sắc trầm ấm, nhẹ nhàng cho không gian thiền 

Mục đích thiết kế không gian thiền định là mang đến sự thư thái về tâm hồn cho bản thân người hành thiền. Vì lý do đó, việc sử dụng những gam màu quá nổi bật như đỏ rực, cam sáng, xanh đậm… là không phù hợp. Thay vào đó, hãy dùng những tông màu nhẹ nhàng, tự nhiên như xám, be, nâu nhạt, trắng… Đôi khi, bạn có thể kết hợp hài hòa thêm một số tông màu đậm như nâu, đỏ bã trầu,… để gia tăng không khí thiền định cho không gian.

Với không gian trên, chủ nhân ngôi nhà đã kết hợp hài hòa màu sắc giữa trần nhà, sàn nhà, tường và đồ nội thất, tất cả đều tông màu trầm, tạo cảm giác bình yên, gần gũi.

3. Nội thất tối giản, gần gũi thiên nhiên

Nội thất nên hạn chế hết mức có thể, những đồ vật trang trí cần đơn giản, tinh tế tạo cảm giác xưa cũ, bình yên và tĩnh lặng. Bài trí nội thất không cần quá cầu kỳ để tránh  chật chội và khiến bản thân phân tâm, cũng không nên quá trống trải tạo cảm giác u ám, nhàm chán.

Trong căn phòng này, chủ nhân ngôi nhà đã treo bức tranh thư pháp tạo điểm nhấn trên mảng tường, vừa tạo sự hài hòa cho căn phòng, thể hiện gu thẩm mĩ và tri thức của gia chủ, vừa có ý nghĩa to lớn về phong thủy, giúp kích tài vận và đem tới may mắn cho gia đình.

Tại góc thiền, chúng ta nên đặt những món đồ trang trí mang hơi hướng thiền. Những món đồ trang trí đơn giản, truyền thống và mang nét tâm linh sẽ mang bầu không khí thiền định cho không gian.

Phòng thiền cần bài trí càng tối giản càng tốt, tại căn phòng dưới đây, anh Long đã trang trí đơn giản với hai bức tranh treo tường, ở trung tâm đặt bức tượng phật tạo sự tôn kính và đậm chất thiền, giữa phòng đặt chiếc bàn thô từ gỗ tự nhiên tạo cảm giác rất nguyên sơ, gần gũi, tấm rèm cửa mỏng manh sau lớp cửa kính với họa tiết bông sen rất thuần khiết và thẩm mỹ, sàn nhà trải thảm màu nâu trầm tạo sự ấm cúng cho không gian.

Không gian tối giản nhất có thể

Việc sử dụng nội thất gỗ tự nhiên tạo ra cảm giác thoải mái, ấm cúng và thân thiện, đây là cách đơn giản nhất mang không gian thiền đến gần hơn với cuộc sống tự nhiên.

Không gian thiền kết hợp làm nơi thưởng trà, nơi gặp mặt đàm đạo với bạn hữu hoặc là nơi lắng mình để quán chiếu thân tâm, nó như một nơi để ta quay về nương náu, trú ngụ. Trở về nhà, rũ bỏ toàn bộ những bụi bặm, bực bội, khó chịu, bon chen phía sau cánh cửa phòng để bước vào không gian an yên của riêng mình.

Những phật tử, những người theo Đạo Phật là những người thường hay ngồi thiền và chắc chắn trong nhà họ sẽ có bàn thờ Phật, còn nếu chúng ta không phải một phật tử đúng nghĩa cũng có thể đặt một bàn thờ Phật tại phòng thiền hay tại nơi thờ cúng, điều này sẽ mang lại hạnh phúc, bình an cho cả nhà.

Đôi khi chỉ cần đặt một vài đồ trang trí, bức tượng phật, bộ bàn ghế gỗ đường nét thô đơn giản là ta đã có cho mình một không gian rất đậm tính thiền.

Nếu không gian nhà nhỏ không thể bố trí phòng thiền riêng, có thể bài trí một góc thiền tại ban công với bức tượng phật, cây xanh, bể nước, tạo cảm giác bình yên trong tâm hồn.

Nếu như nhà bạn quá chật chội thì góc phòng là lựa chọn không tồi để tận dụng làm không gian thiền, Phật tại tâm và góc thiền này cũng không cần quá xa hoa.

Phật nói: “Yếu chỉ của Thiền là Thân, Tâm buông xả”, nghĩa là loại bỏ những tạp niệm, trút hết buồn đau, thân xác như không.
Nếu cuộc sống này buông xả được những suy nghĩ tiêu cực, những sân si, toan tính, trút hết được mọi buồn, đau, khổ ải… đó sẽ là điều tuyệt vời nhất mà không gì mua được. Tuy nhiên cái gì cũng có cách giải quyết dù là không tuyệt đối, để tạm trút bỏ được những tạp niệm đó, chi bằng dành chút thời gian và tạo cho mình một không gian riêng tại nhà để thực hành thiền những lúc bản thân thiếu cân bằng nhất, hãy biến ngôi nhà không chỉ là nơi để ở, mà là nơi vỗ về, nuôi dưỡng thân tâm ta.

Chúc bạn sẽ có ý tưởng để sáng tạo cho mình một không gian thiền tại gia đúng nghĩa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *